Vừa qua, một chương trình truyền hình đã phỏng vấn nhiều học sinh về vị vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Thật bất ngờ, câu trả lời của nhiều em khiến người nghe sửng sốt: Quang Trung – Nguyễn Huệ là anh em, Nguyễn Huệ với Nguyễn Du là một, Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai cha con.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Phạm Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn lịch sử tại hội đồng thi THPT Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Không thể trách các em học sinh kia được, có thể các em học rồi quên ngay sau buổi học. Thời buổi hiện đại này cái gì không biết cũng có thể nhờ cậy đến mạng internet, thế nên mới có câu hài hước: “Dân ta phải biết sử ta/Nếu mà không biết thì tra Google”.
Nhưng chuyện không nhớ lịch sử hoặc hiểu sai về lịch sử đâu chỉ ở những em nhỏ. Lớp cha ông đi trước cũng sai bét nhè. Tổng thư ký tòa soạn một tờ báo lớn kể rằng, có lần bực quá ông đã phải chửi đổng vì một phóng viên văn hóa văn nghệ lâu năm khi liệt kê các danh nhân lịch sử trong tin đã viết thế này: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tuấn, Quang Trung, Nguyễn Huệ… Hay mới đây là chuyện một ông hội đồng ở Đà Nẵng nói Tôn Ngộ Không bị núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng đè, lẫn lộn chuyện Tàu và ta.
Thế mới biết chuyện “dốt” lịch sử không chỉ là chuyện của học sinh hay một vài người lỡ “bị lộ” trên báo chí. Đám đông ngoài kia mấy ai dám vỗ ngực tự tin mình nhớ hết lịch sử nước nhà?
Vì vậy, việc các em học sinh nhầm Nguyễn Huệ là nhà thơ Nguyễn Du chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi. Buồn rầu, lo lắng là điều hiển nhiên với những người yêu lịch sử nước nhà. Trách ai đây? Trách những người dân ta mà không biết sử ta thì có lẽ không được vì… số này quá nhiều. Trách những giáo viên dạy chưa thấu đáo cũng không đúng.
Có thể thấy, lịch sử trước đến nay vẫn là môn học một chiều. Nó không đem đến cảm giác bay bổng như môn văn hay thúc đẩy học sinh đi tìm tòi lời giải như môn toán. Nó vẫn luôn là môn học thuộc và chưa bao giờ được khuyến khích học đúng nghĩa. Bố mẹ vẫn muốn con học giỏi toán hơn giỏi lịch sử vì dễ xin việc hơn. Thầy cô vẫn chỉ dồn sức cho học sinh tập trung ôn những môn thi chính. Lịch sử bỗng trở thành đứa con bị ghẻ lạnh trong ngành giáo dục.
Chúng ta đã nhiều lần bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc”. Đó là những mùa thi gần đây học sinh gần như không chọn môn lịch sử, hay chuyện rất nhiều học sinh đã từng tỏ ra vui mừng vì môn lịch sử không có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chúng ta vẫn có những giáo sư lịch sử, những học sinh giỏi quốc gia về lịch sử nhưng nó không thể đại diện cho 90 triệu dân. Một quốc gia sẽ thế nào nếu người dân quay lưng với lịch sử đất nước mình? Tại sao người Việt lại rành sử Tàu hơn sử Việt? Trả lời câu hỏi này có lẽ không ai khác ngoài lãnh đạo các bộ, ngành chức năng.
Có lẽ các vị đó đã không tìm ra được hướng truyền đạt thuyết phục hay không tạo được một “sân chơi” hấp dẫn để thu hút người Việt đến với lịch sử nước nhà một cách tự nhiên nhất. Điều này những nước quanh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm được, làm tốt không chỉ với dân chúng nước họ mà khiến cho người dân các nước xung quanh cũng phải rành và ngưỡng mộ lịch sử của họ. Thật đáng tiếc cho chúng ta khi người dân không thiết tha tìm hiểu lịch sử nước nhà mặc dù lịch sử Việt Nam cũng hào hùng và độc đáo không thua kém nước nào.